CHÚNG TA VÀ NHỮNG HỖN ĐỘN

Vì sao chúng ta thường cảm thấy tồi tệ khi đối mặt với những khiếm khuyết và yếu đuối của bản thân?

Mỗi người sẽ luôn có những mặt tốt xấu. Và khi càng nhìn sâu vào chính mình, những điều xấu sẽ luôn được phóng đại và thêm dày đặc hơn cả. Chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng không có ai thực sự hoàn hảo, nhưng đồng thời cũng vô cùng khó chịu với sự không hoàn hảo đó ở mình.

Mỗi lần soi gương rồi tự nhủ bản thân đầy những nhược điểm.

Bày tỏ sự hối lỗi vì một sai lầm nghiêm trọng.

Bộc lộ vấn đề tâm lý với người khác, dù là người thân.

Hay khi nói lời yêu thương chân thành đầu tiên.

Đây đều là những trường hợp thể hiện sự mềm yếu nội tâm của mỗi người. Những phần dễ tổn thương mà ta thường giữ cho riêng mình. Chúng ta thường tự chì chiết bản thân, cảm thấy tiêu cực và tự ti mỗi khi nhìn vào các khía cạnh tối này và ước mong bản thân tuyệt vời hơn, tốt đẹp hơn. Nhiều khi, ta là kẻ phán xét bản thân nặng nề nhất.

Có một thực tế rằng, mọi người xung quanh đa phần không quá để tâm đến những vấn đề của người khác nhiều như bạn tưởng. Những khiếm khuyết, yếu đuối hay nỗi xấu hổ của ta trong mắt người khác đôi khi rất bình thường, họ có thể còn chẳng chú ý đến. Đôi khi đó còn là điểm sáng đáng ngưỡng mộ trong mắt họ.

Chúng ta cảm thấy nhục nhã khi té ngã nơi công cộng, nhưng bạn trai lại cảm thấy nét hậu đậu đó thật dễ thương.

Việc tỏ tình khiến ta thấy mềm yếu nhưng người ngoài nhìn vào lại thấy bạn thật dũng cảm.

Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chủ động nhún nhường giảng hoà để giữ một mối quan hệ, bỏ xuống cái tôi, mặc nó kháng nghị nhưng bạn bè cảm thấy bạn thật bao dung và vị tha.

Và hàng tá trường hợp như thế khi bạn chìa ra thế giới sự khiếm khuyết của chính mình.

Trong tâm lý học có một cụm từ “beautiful mess effect” hay còn gọi là hiệu ứng Mớ hỗn độn xinh đẹp để lý giải sự đối nghịch này. Ở mỗi con người đều có những phần dễ tổn thương, những mảng tối không muốn ai nhìn thấy, phần hỗn độn. Còn sự xinh đẹp là cách mà người khác cảm nhận khi chúng ta phô bày sự không không hoàn hảo của bản thân. Những thứ ta coi là “mớ hỗn độn”, là khiếm khuyết của mình có thể được người khác coi là mạnh mẽ, can đảm và thậm chí là xinh đẹp.

Nhà nghiên cứu Cansandra Brené Brown đã viết trong cuốn Daring Greatly rằng “Chúng ta ưa việc ngắm nhìn lớp vỏ sự thật thô sơ và sự cởi mở ở người khác, nhưng lại sợ để họ nhìn thấy điều đó trong bản thân mình”.

Chúng ta thường đánh giá cao việc người khác thể hiện tính dễ tổn thương chứ không quá coi trọng việc tổn thương của bản thân.

Vậy vì sao chúng ta lại không coi trọng sự dễ tổn thương của chính mình?

Nghiên cứu của cô Anna Bruk cùng đồng nghiệp tại Đại học Mannheim ở Đức cho thấy hiệu ứng “mớ hỗn độn xinh đẹp” có thể được giải thích rằng nhận thức của chúng ta về một tình huống phụ thuộc vào khoảng cách tâm lý của ta với tình huống đó.

Nghĩa là khi từ xa nhìn vào biểu hiện của người khác về sự yếu đuối, ta tập trung vào những kết quả tích cực và lạc quan. Nhưng ta lại đủ gần để phóng đại sự tiêu cực tiềm ẩn như sự nhu nhược, kém cỏi hoặc ngu ngốc khi tự xoáy vào những khoảnh khắc yếu đuối nhất của mình. Việc này cũng lí giải vì sao ta dễ dãi với người lạ và khắt khe với người thân của mình.

Lợi ích của việc phô bày sự dễ tổn thương là thế nhưng trước khi bạn thú nhận những bí mật sâu kín nhất của mình với người khác, bạn nên chú ý đến sự cân bằng. Thể hiện sự tổn thương nhiều lần đối với cùng một người có thể không được khuyến khích lắm. Không ai muốn nghe mãi những lời than thở tiêu cực, kể cả những người thân thiết nhất của bạn.

Còn những chỉ trích từ bên ngoài thì sao?

Ngoài những mặt tích cực và thiện ý thì ngoài xã hội luôn có những ánh nhìn thành kiến găm vào chúng ta. Những chỉ trích phê phán đến từ bên ngoài. Để sống thư thái hơn thì khi đối diện với những điều đó ta nên hiểu rằng cuộc sống luôn có tính tương đối, mọi thứ không bao giờ diễn ra hoàn toàn theo ý của bạn.

Nếu người đưa cho bạn những nhận xét chê bai nhưng lại đúng và bạn cần phải thay đổi thì đây chính là những lời khuyên hữu ích. Bạn không cần phải buồn bã hay tiêu cực về điều đó.

Trường hợp những chê bai không có tính xây dựng mà chỉ đến từ ác ý thì bạn nên bơ đi. Hãy nhớ, người ta phản ứng khó chịu với những điều khuyết thiếu trong chính con người họ.

Kết

Tóm lại, chúng ta và chính cuộc sống của mình đều là những mớ hỗn độn. Khi thì đáng yêu một cách lạ lùng, khi lại vô cùng lấm lem. Hãy học cách nhìn thấy những điều xinh đẹp và bao dung hơn với mớ hỗn độn của mình dù cho nhiều lúc thật không dễ dàng. Những khiếm khuyết là cách cuộc sống đặt câu hỏi liệu:

Bạn có đang trân trọng và yêu thương chính mình trọn vẹn hay không?

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top