3 CÁCH ĐƠN GIẢN ĐỂ CUỘC SỐNG NHẸ NHÀNG HƠN

Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao nhiều người sống nhẹ nhàng còn bản thân thì mệt mỏi chưa?

Có bao giờ bạn than ngắn thở dài vì mọi việc đều không như mong muốn?

Nếu có thì bạn không cô đơn đâu, mình cũng từng như thế. Nhưng, từ khi hiểu và thực hành 3 điều sau, dần dà mình nhận thấy cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và dễ thở hơn.

Điều thứ nhất, chấp nhận

Bạn đã nghe về Thuyết giá trị chủ quan (hay Subjective Theory of Value) chưa? 

Thuyết này nói rằng “giá trị của một vật không phải là vốn có mà thay vào đó giá trị này sẽ thay đổi tùy vào nhu cầu và độ mong muốn của mỗi người”. 

Thuyết này cũng áp dụng được với con người. Trong cuộc sống, chúng ta cũng được gán lên những nhãn “giá trị” khác nhau. Do đó sẽ có đánh giá chủ quan khác nhau với những “giá trị” đó. Ở đây, mình muốn nói về việc chấp nhận rằng con người rất chủ quan, trong đánh giá hay xem xét bất kì vấn đề gì.

Ví dụ:

Ngoài đời sống, bạn thích giao tế, kết bạn với người A hoạt bát hơn người B trầm tính thì đó cũng nằm ở phần chủ quan. 

Hay bàn về chuyện công việc, trong công ty người nào được sếp “thích” thì sẽ được đề bạt lên vị trí cao hơn. Đó đều nằm ở đánh giá chủ quan của mỗi người. 

Nghe có vẻ bất công nhưng cuộc sống chính là như vậy. Chúng ta thường sẽ ưu ái cho một giá trị nào đó hơn phần còn lại. Con người ai ai cũng chủ quan, dù là bạn hay là mình. Cho nên chúng ta phải chấp nhận sự chủ quan ấy như một phần tất yếu của cuộc sống. Hiếm có sự công bằng hay khách quan tuyệt đối, có chăng chỉ là sự công bằng trong một giới hạn chủ quan mà thôi. 

Bạn có nhận thấy chúng ta thường quây quần theo nhóm không? Đây là ví dụ cho sự tương đồng về giá trị quan, hay nói cách khác là “chung tần số”. Những người phù hợp, đồng điệu sẽ tụ họp lại với nhau. Cho nên, để sống “nhẹ nhàng” thì hãy rời đi những điều không phù hợp với giá trị của bạn và tìm đến những người, cộng đồng tương hợp về giá trị chủ quan.

Điều thứ hai, bớt kỳ vọng

Kỳ vọng là nguyên nhân lớn dẫn tới nỗi buồn, và tệ hơn là khổ đau. Khi bạn kỳ vọng càng nhiều thì nỗi thất vọng khi không đạt được điều bản thân mong cầu sẽ càng khiến bạn buồn bã. Từ đó, bạn dễ dàng nảy sinh những cảm xúc tiêu cực.  Sự khổ tâm sinh ra từ những kỳ vọng.

Ví dụ:

Trong mối quan hệ, dù là bạn bè hay tình yêu, khi chúng ta đối xử tốt với đối phương thì thường sẽ kỳ vọng sự hồi đáp tương tự. Và vì thế, khi không nhận được những điều ấy bạn sẽ khó chịu. Bạn quên mất ban đầu là do chính bạn tự nguyện. Đây là sự yêu thương chứ không phải trao đổi ngang giá.

Hay trong viết lách, mỗi tác giả khi sáng tạo nên một bài viết hay một tác phẩm đều có kỳ vọng nhất định về sự thành công của đứa con tinh thần ấy. Có thể là giải thưởng hay được đón nhận nhiệt tình. Rồi khi “đời không như mơ”, tác giả có tự ti không? Có buồn không? Và câu hỏi ở đây là sự tự ti hay nỗi buồn của họ đến từ đâu? Đó là từ sự kỳ vọng. 

Đừng hiểu nhầm ý mình, sự kỳ vọng không sai. Nhưng vấn đề quay về điều đầu tiên, sự chủ quan của giám khảo hay độc giả. Bạn thấy tốt không có nghĩa là họ cũng sẽ như vậy. Hãy tự hỏi:

  • Sự kỳ vọng đó có tương xứng với năng lực của bạn không?
  • Hay, tác phẩm ấy có sự tương đồng với giá trị chủ quan của số đông hay không?

Một vấn đề tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài. Bạn lại không kiểm soát được những ngoại tố đó. Thế nên việc kiểm soát sự kỳ vọng, và nhiều khi là “ảo tưởng” của bản thân là phương pháp hữu hiệu để sống “nhẹ nhàng”.

Cuối cùng, chú tâm làm tốt việc của mình

Bên cạnh sự chấp nhận và kỳ vọng thì vấn đề cuối nằm ở chính chúng ta. Con người thường dễ bị ảnh hưởng và xao nhãng bởi việc hay người khác. Thường điều đó sẽ dẫn đến so sánh, phán xét rồi nghi ngờ và tự ti về bản thân. Nói cách khác, chúng ta dễ bị “Peer pressure”.

Do đó, hãy chú tâm vào việc của mình để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết. Hãy tập trung vào bản thân, vào những việc có thể kiểm soát và điều chỉnh. Đi con đường của mình, theo nhịp điệu của mình. Nhanh – chậm tùy tâm, đừng xao nhãng bởi điều khác cũng đừng ngại ai bàn tán. 

Ví dụ: 

Trong viết, khi đến nhóm Viết đi đừng sợ và cam kết viết thì do bạn muốn cải thiện kỹ năng và kiểm soát nỗi sợ. Sau đó hãy cứ tập trung vào việc Viết thay vì bị ảnh hưởng bởi số lượng tương tác. Bạn nên xác định rõ mục tiêu của bản thân là gì, cái gì là chính và cái gì là phụ. Hãy xem đó là một cuộc chiến với chính mình, nỗ lực hoàn thành bài viết, tập trung phát triển khả năng viết của bản thân là chính. Còn những tương tác hay phần thưởng thì nên là quà tặng kèm, có thì biết ơn còn không thì thôi. Thế là lòng nhẹ nhàng.

Rốt cuộc thì cuộc sống này khó khăn chẳng phải do chính chúng ta bám chấp và mong cầu quá nhiều hay sao?

Khi dần thấu hiểu những điều này, mình thôi tự “dày vò” bản thân và bớt “than ngắn thở dài”. Chấp nhận sự chủ quan, bớt kỳ vọng và chú tâm làm tốt việc của mình sẽ giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Mong những điều mình chia sẻ phần nào giúp bạn tìm thấy sự thanh thản trong tâm trí của chính mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top