BÀN VỀ CHỮA LÀNH

Ở bài trước khi nói về tỉnh thức, mình có đề cập đến “chữa lành”. Đây là một bộ đôi, một sự đồng hành không thể tách rời.

Sau khi tỉnh thức, bạn dần quay vào bên trong và đối diện với những vấn đề của chính mình. Đây cũng là lúc quá trình chữa lành được kích hoạt. 

Vậy chữa lành là gì? Hay chúng ta thực sự cần chữa lành điều gì?

Hãy tưởng tượng, bạn bẩm sinh có một làn da bánh mật và mũi dao định kiến “da ngăm nhìn dơ, xấu” hay “da trắng nhìn đẹp và sang” găm vào bạn. Chúng đến từ người thân hay từ xã hội. Những định kiến ấy lặp lại quá nhiều và bạn tin. Bạn tìm mọi cách “tẩy trắng” làn da của mình, dù nó khiến bạn hao tốn, mệt mỏi và nhiều khi là đau đớn. 

Mặc cho vết thương khiến bạn khó chịu, bạn vẫn chọn cách bao bọc nó bằng tầng tầng lớp lớp biện pháp bên ngoài. Đơn giản vì khi giữ yên, bạn sẽ dần quen, sẽ không thấy đau nữa. Bạn không dám đối diện, bạn chịu đựng. Dần dần, vết thương ấy trở nên càng nặng nề, cồng kềnh và mưng mủ. Chúng hoại tử, dần ảnh hưởng ra bên ngoài, qua hành vi và cách cư xử của bạn. Bạn sẽ cảm thấy những người da ngăm là xấu xí và phán xét họ.

Mọi người hay nói đùa: “Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác” cũng chính là lẽ như thế. Khi bạn bị tổn thương và không nhận diện để chữa lành thì chúng sẽ dần huỷ hoại bạn, từ bên trong.

Chữa lành là khi bạn lắng lại và quay vào kết nối với đứa trẻ bên trong. Đây là quá trình nhận diện những mũi dao đang găm trên người đứa trẻ ấy và rút chúng ra. Những mũi dao là những lời phán xét, áp đặt, định kiến, những niềm tin hạn hẹp, những tổn thương từ quá khứ, hay nỗi sợ. Hiển nhiên khi rút những mũi dao này ra, bạn sẽ rất đau và khó chịu. Nhưng, chỉ khi rút mũi dao ra thì chúng ta mới có thể chăm sóc và khiến vết thương dần hồi phục.

Nếu tỉnh thức là quá trình nhận ra những tổn thương thì chữa lành là quá trình quay vào bên trong để hàn gắn những tổn thương ấy.

Chúng ta tỉnh thức chính là để chữa lành cho những tổn thương quá khứ, và có thể là ở tiền kiếp. Đây là một hành trình dài dằng dặc. Trên hành trình này, bạn sẽ dần học được những bài học lớn để phát triển tâm thức chính mình: 

Chấp nhận – Hài lòng – Tha thứ – Buông bỏ – Biết ơn và tình yêu thương vô điều kiện.

Vì sao lại nói đây là một hành trình dài dằng dặc?

Có quá nhiều vết thương nên bạn không thể chỉ chữa lành một lần. Và một vết thương, nếu không soi rọi đến tận gốc rễ sẽ không ngừng khiến bạn nhức nhối.

Trên hành trình chữa lành, bạn sẽ dần nhận ra trên người chúng ta có rất nhiều mũi dao. Ban đầu, bạn chạm vào những vết thương bề nổi. Chúng còn mới và đau nên khiến bạn chú ý trước. Về lâu dài trên hành trình khám phá bản thân, bạn sẽ lại phát hiện những vết thương cũ và ẩn sâu hơn. Dù rằng bạn quên mất, hay nghĩ vết thương không còn đau nữa nhưng khi lại đối mặt với bóng tối thì chúng vẫn vẹn nguyên đắng chát như mới ngày hôm qua. 

Bên cạnh đó, mỗi ngày sẽ không ngừng có những mũi dao bắn về phía chúng ta. Không phải tỉnh thức là chúng ta an toàn 100%. Tỉnh thức, đơn giản là chúng ta đã ý thức được khi những mũi dao ấy phóng về phía mình. Từ đó, ta sẽ có phương pháp bảo vệ bản thân. Nhưng vẫn sẽ có lúc ta sơ hở, thêm những vết thương. Thế nên, quá trình chữa lành sẽ tuần tự liên tục. 

Nghe có vẻ mệt mỏi và dài hơi nhỉ?

Nhưng đó lại là việc cần thiết. Và dù bạn muốn tránh né thì vũ trụ cũng không cho phép. Thế giới bên ngoài là do nội tại phóng chiếu ra. Bạn đau khổ thì cuộc sống của bạn đau khổ. Bạn hạnh phúc thì cuộc sống của bạn hạnh phúc.

Khi chưa giải quyết tận gốc vấn đề, bạn sẽ nhận thấy những mô típ lặp đi lặp lại theo hành trình của mình. Cùng kiểu người, cùng trường hợp, cùng những câu nói tổn thương. Đó là lời nhắc nhở.

Hành trình chữa lành vốn không dễ chịu. Bạn phải liên tục quay vào bên trong bản tâm, đào sâu, mò mẫm trong bóng tối. Bạn tìm đến những ngõ ngách từ lâu không chạm đến, chiếu rọi ánh sáng vào nó. Lần nữa trải nghiệm nỗi đau, sự mất mát, những nỗi sợ và tổn thương. Chỉ khi như thế, chỉ khi chấp nhận và ôm ấp nỗi đau, bạn mới có thể chữa lành chúng, bằng tính yêu thương vô điều kiện.

Vì sao phải chữa lành?

Vì chính bạn. Vì chỉ có bạn mới giúp được chính mình.

Khi dám đối mặt và giải quyết nỗi đau quá khứ, bạn mới có thể tự do đúng nghĩa. Các bạn sẽ dám sống cuộc đời mình mong muốn, tự nắm trong tay hạnh phúc. Bạn hiểu bản thân, biết mình muốn gì, cần gì chứ không bị kiểm soát bởi kỳ vọng của cha mẹ, xã hội hay điều gì khác.

Khi chữa lành, khi giải phóng những nỗi sợ, niềm tin hạn hẹp và định kiến, bạn sẽ trở nên can đảm và tự tin. Không gì có thể áp đặt hay giam cầm bạn nữa. Việc chữa lành những tổn thương cũ cũng đồng thời giúp bạn rèn luyện nội lực. Khi hiểu tất cả mọi thứ bên ngoài là sự phóng chiếu bên trong, bạn sẽ không còn sợ hãi.

Khi những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực hỗn độn bên trong dần được chuyển hóa, bạn sẽ tiến gần hơn đến sự đủ đầy. Bạn sẽ hiểu được điều cốt lõi, học được yêu thương bản thân và cả người khác một cách vô điều kiện. 

Cuối cùng, khi chữa lành bạn sẽ học được trân trọng và biết ơn dù chỉ những điều nhỏ nhặt nhất. Bạn sẽ đạt được sự an yên trong tâm hồn cùng tâm thái bình thản trước giông bão.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top