Tỉnh thức

BÀN VỀ TỈNH THỨC

Chúng ta luôn nói về “tỉnh thức”, nhưng rốt cuộc tỉnh thức là gì, nó diễn ra như thế nào?

Và, tại sao chúng ta cần phải tỉnh thức?

Tỉnh thức là gì? 

Hành trình linh hồn luôn là một điều huyền ảo với nhiều người. 

Khi nói về từ “tỉnh thức”, mọi người vẫn nghĩ đó là một điều xa vời hoặc vớ vẩn. Nhưng hiện tại, từ khóa này càng được nhắc đến nhiều hơn trên mạng xã hội và trong đời sống. Tâm linh không còn là điều mê tín và tinh thần đã không còn là những vấn đề bị xem nhẹ. 

Có bao giờ bạn nghĩ cuộc đời của mình chỉ là một giấc mộng không?

Có bao giờ bạn nghĩ cuộc sống này chỉ là một bộ phim hay một chương sách?

Với mình, tỉnh thức là một trạng thái. Giống như bạn bừng tỉnh khỏi một giấc mộng, thường là một cơn ác mộng và nhận ra bản chất thực sự của thế giới này.

Hãy tưởng tượng bạn đang mơ một giấc mơ về cuộc đời mình, và bạn là nhân vật chính. Bạn nhập tâm, say mê và sống trong tình tiết giấc mơ ấy. Bạn quên mất bản thân đang mơ. Nếu đây là một giấc mơ tươi sáng, hạnh phúc thì hiển nhiên mọi thứ quá tuyệt vời, nhưng nếu đây là một cơn ác mộng thì sao. Cơn ác mộng khiến bạn khó chịu và khổ sở, nó giày vò bạn. Đến khi mọi thứ quá sức chịu đựng, từ sâu thẳm có tiếng gọi và bạn khát khao được thoát khỏi những nỗi đau đó. Cái khao khát đó dần trở nên mạnh mẽ và thôi thúc, và rồi bạn giật mình tỉnh giấc. 

Bạn “tỉnh” và nhận thức rõ về cuộc đời mình, những điều đã trải qua, những gì đang đối mặt đều chỉ là những sự kiện, những bài học. Bạn nhận ra bản thân có thể thay đổi những khổ đau, có thể lựa chọn con đường mình muốn trải nghiệm và cuộc đời muốn sống. Là chính bạn chứ không phải bất kỳ ai hay thứ gì khác. Tỉnh thức đơn giản chỉ là như thế. 

Hành trình tỉnh thức

Nếu phân định cụ thể thì hành trình tỉnh thức gồm 5 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Mê

Đây là giai đoạn mà chúng ta còn chìm đắm trong giấc mộng. Chúng ta vẫn lăn xả trong guồng quay vội vã của xã hội. Bị đóng khung trong những khuôn mẫu, niềm tin, trách nhiệm, nghĩa vụ mà xung quanh kỳ vọng vào mình.

Chúng ta bị cuốn theo vòng xoay và thường không nhận ra mục đích của cuộc đời. Trưởng thành, đi học, làm việc kiếm tiền, thành công danh vọng, có ích cho xã hội, hôn nhân, sinh con đẻ cái…

Có thể ta sẽ hài lòng và vui vẻ với đời sống ấy. Vậy thì chúc mừng bạn đã đi đúng con đường nên đi. Nhưng với những người chọn sai, những tâm hồn đang khổ sở và trải qua tổn thương thì sẽ bắt đầu qua giai đoạn thứ 2.

Giai đoạn 2: Nghi hoặc

Giai đoạn này, bạn cảm thấy những quen thuộc dần có gì đó không đúng. Bên trong bạn dần xuất hiện những câu hỏi:

Mình là ai? Tại sao lại cần phải tồn tại?

Thế giới này có thật không? Bản chất của nó là gì?

Chẳng lẽ sống chỉ để kiếm tiền, rồi duy trì nòi giống thôi sao?

Bạn thắc mắc, bạn đau đáu nghi hoặc và nó dần thôi thúc bạn tìm kiếm câu trả lời. 

Giai đoạn 3: Tỉnh thức

Đây là giai đoạn bạn đã quá mệt mỏi và bất lực với thực tại của chính mình. Có một sự thật là, đau đớn và khổ sở là cơ hội kích hoạt sự tỉnh thức mà linh hồn chúng ta tự tạo ra cho chính mình. 

Chỉ có trải qua sự bất lực tận cùng, ta mới chịu thay đổi. Chỉ khi bị ép đến đường cùng, hoặc là ta bỏ cuộc hoặc là ta tỉnh trí. Đó là cây gậy, là roi vọt, là bài học của mỗi người.

Đến lúc này, bạn nhận ra lời đáp cho những câu hỏi mình hằng tìm kiếm. Bạn nhận ra mục đích của sự tồn tại và bản chất thực sự của vũ trụ này, của chúng ta là gì.

Tỉnh thức chưa bao giờ là sự dễ chịu. Nó hiện diện để báo hiệu rằng bạn cần thay đổi.

Giai đoạn 4: Chữa lành

Khi bạn tỉnh thức, bạn sẽ nhận diện những vết thương tồn tại trong tâm thức mình. Đó là sự phán xét, kỳ vọng, niềm tin giới hạn, những khổ đau,… Chúng như những mũi dao đang ghim trên người bạn. Có cái mới nguyên và có cái đã khắc sâu vào tiềm thức từ lâu. 

Khi bạn dần nhận thức được chúng, bạn sẽ học cách rút những mũi dao ra và chữa lành chính mình. 

Ở giai đoạn này, bạn học cách đối mặt với bóng tối tâm hồn và cách yêu thương bản thân đúng đắn. Rồi từ đó, bạn sẽ học được tình yêu thương vô điều kiện với thế giới này.

Giai đoạn 5: Thuận theo tự nhiên

Ở giai đoạn này, chúng ta thấu hiểu được rất nhiều thứ hiện hữu. Hiểu được sự bao dung, tình yêu thương vô điều kiện và sự vô thường.

Chúng ta hiểu có những thứ đã được sắp đặt, việc của mình là trải nghiệm, là đối mặt và học những bài học cần thiết cho sự phát triển tâm thức.

Chúng ta muốn quay vào bên trong. Cốt để hiểu chính mình. 

Chúng ta lắng nghe trực giác và ra những lựa chọn của trái tim thay vì sự kỳ vọng của người khác.

Chúng ta thuận theo dòng chảy, một cách sáng suốt chứ không vô định mê man như trước.

Vì sao phải tỉnh thức?

Đơn giản thôi. Bạn tỉnh thức, chúng ta tỉnh thức vì sâu thẳm bên trong chúng ta mong muốn như thế. 

Chúng ta mong muốn thay đổi, được thoát khỏi những điều giam cầm mình. 

Chúng ta mong muốn biết bản thân là ai, sinh ra để làm gì, mục đích của sự tồn tại. 

Càng đi sâu, chúng ta sẽ càng quay trở về bên trong, quay về với mong muốn được hiểu chính mình. Bước lên con đường tỉnh thức, bạn sẽ dần nhận ra chúng ta vốn chưa khám phá hết sâu thẳm bản chất tâm hồn mình. Và nếu để ý tìm hiểu bạn sẽ thấy câu “Hiểu chính mình” hiện hữu trong mọi triết lý tôn giáo. 

Tỉnh thức. Nhận diện và hiểu chính mình chính là gốc rễ. 

1 thought on “BÀN VỀ TỈNH THỨC”

  1. Pingback: BÀN VỀ CHỮA LÀNH - Cáo thơ thẩn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top