CÁCH ĐI QUA NỖI BUỒN

Các bạn đã bao giờ chìm đắm trong nỗi buồn mãi không thoát ra được chưa? Các bạn đã bao giờ tự trách bản thân vì sao mãi loay hoay trong mớ cảm xúc tiêu cực?

Ai trong chúng ta chưa từng bị nhấn chìm bởi những nỗi buồn. Chúng đến, khiến ta chới với và chẳng thể làm gì khác để phòng bị. Những lúc ấy nếu có bạn bè thân thiết để tâm sự và chia sẻ thì thật tuyệt vời. Nhưng, với một người thích sự cô độc thì làm cách nào để giải quyết những nỗi buồn?

Mình từng như thế, chới với mãi trong những nỗi buồn chẳng rõ điểm kết. Những ngày uể oải vô vị chẳng thể làm được gì khác nữa. Dần dà, khi mọi thứ trở nên quá nặng nề, mình đã học được cách đi qua nỗi buồn một cách nhẹ nhàng hơn.

Nhận diện cảm xúc

Đây là bước đầu tiên của quá trình kết nối với đứa trẻ bên trong bạn. Hãy nhận diện và gán nhãn cho nỗi buồn đang hiện diện. Khi cảm thấy bắt đầu rơi vào trạng thái “tụt mood”, hãy dừng lại mọi việc. Hít thở 10 hơi thật sâu bằng bụng để tâm trí tĩnh lặng lại và tự nhận thức “Mình đang buồn”. Việc này có thể áp dụng cho tất cả các cảm xúc tối như tức giận, đố kỵ, tham lam,…

Hãy cho phép bản thân được buồn thay vì cố gắng kiểm soát và né tránh nó. Khi chúng ghé thăm, đừng vội vàng ép tâm trí dời sự chú ý sang việc khác, nỗi buồn không dễ dàng bị xua đuổi như thế. Hãy kết thân với cảm xúc thay vì cố gắng đè nén hay kiểm soát nó. Đừng giữ chặt cảm xúc hay giả vờ rằng bạn đang ổn.

Đối mặt

Sau khi đã tự nhận biết bản thân đang buồn, hãy tạo một khoảng không – thời gian tĩnh lặng và an toàn cho tâm trí. Tiếp theo, hãy tách bản thân thành một phần “tỉnh thức” khác để quan sát trạng thái cảm xúc. Lúc này, phần “tôi tỉnh thức” sẽ được dịp nhìn ngắm phần “tôi đang buồn”. Bạn hãy chú tâm thật kĩ trạng thái cảm xúc của chính mình. Đừng kìm nén mà hãy đối mặt.

Chấp nhận nỗi buồn

Việc bạn cố gắng kìm nén sẽ khiến cảm xúc khó giải tỏa. Về lâu về dài sẽ càng tích tụ, nỗi buồn sẽ không biến mất theo cách đó. Nó sẽ ăn mòn bạn.

Nỗi buồn là một phần của con người, một thứ cảm xúc vô cùng bình thường, hãy cho phép bản thân “được” buồn bã. Bạn không cần phải gượng mạnh mẽ, hay lạc quan. Thay vì dồn ứ nỗi buồn xuống, đợi một ngày “giọt nước tràn ly” và giả vờ bản thân đang ổn. Việc cho phép chính mình hiện hữu với cảm xúc trong hiện tại, đừng phán xét, chỉ trích bản thân sẽ tốt hơn nhiều.

Những lúc buồn, mình thường tạo một không gian yên tĩnh cho bản thân. Trong ấy, mình cho phép bản thân chìm đắm trong nỗi buồn. Có thể là vài tiếng đồng hồ, cũng có khi là 3 – 5 ngày, mình lắng nghe cảm xúc và cho bản thân thời gian để được “buồn”.

Tìm về nguyên nhân

Hãy nhớ rằng, nỗi buồn là một trong rất nhiều cảm xúc của bạn. Nó ngắn hạn và nó không phải là bạn. Nó chỉ lướt qua bạn mà thôi. Việc của chúng ta là quan sát nó, vỗ về nó rồi buông lơi, mặc nó trôi đi. Đừng ghì lấy nỗi buồn.

Thông thường, cách hiệu quả để tâm trí thông suốt là hiểu về nguyên nhân gốc rễ. Hãy viết nhật ký khi cảm xúc tiêu cực tìm đến, trải lòng hết trên trang giấy và đặt ra những câu hỏi tại sao cho cảm xúc ấy. 

Taiichi Ohno – 1 quản lý cấp cao đã quá cố của Toyota đã dùng cách đặt câu hỏi “Tại sao 5 lần liền” để tiếp cận được nguyên nhân gốc rễ và học được từ khó khăn mà mình gặp phải. Ông chia sẻ rằng nhờ thế sẽ tránh lặp lại những hành động ngốc nghếch hoặc thiếu hiệu quả. Cách thức dùng 5 Whys này cũng có thể áp dụng trong nhật ký cảm xúc của chúng ta. 

Ví dụ những lúc buồn, mình thường tự đối thoại thế này:

  • Tại sao lại buồn?

Vì tối qua mất ngủ.

  • Tại sao tối qua mất ngủ?

Vì nhìn thấy dòng trạng thái của người yêu cũ.

  • Tại sao nhìn thấy lại mất ngủ?

Vì điều ấy khơi lại nhiều kí ức bên trong tôi, những kỉ niệm đẹp.

  • Tại sao những kí ức ấy vẫn ảnh hưởng đến bạn?

Vì có lẽ mình là một người cảm xúc. Mình khó quên những kí ức và hay hồi tưởng chuyện cũ. 

  • Tại sao lại hay hồi tưởng những chuyện cũ?

Vì mình cảm thấy cô đơn ở hiện tại, thiếu niềm vui và cảm giác yêu thương trong cuộc sống.

=> Việc mình cảm thấy buồn xuất phát từ sự cô đơn. Đó là lí do khiến trong trái tim có những khoảng trống, ở đó nỗi buồn hay lẻn vào và nhấn chìm cảm xúc tích cực của mình.

Đôi khi đặt câu hỏi đến lần thứ 3 bạn đã tìm ra câu trả lời. Đôi khi phải tới hơn 10 câu hỏi mới tường tận nội tâm chính mình.

Việc bạn viết ra chi tiết những cảm nhận, suy nghĩ của mình là một cách hữu ích để xác định xem đâu là nguyên nhân của nỗi buồn. Nếu bạn nghĩ nỗi buồn chỉ phụ thuộc vào tình huống cụ thể, hãy ghi ra hết. Ví dụ như vì công việc quá áp lực, tài chính khó khăn,… Điều này có thể giúp bạn đưa ra những giải pháp để thay đổi tình hình. Bạn sẽ dần thấu hiểu bản thân và kết nối được với đứa trẻ bên trong mình. Nhờ đó, bạn có thể bước tiếp và cảm thấy vui vẻ hơn.

Giải phóng cảm xúc

Khi không có ai để giãi bày, chúng ta vẫn có thể tự yêu thương và xoa dịu bản thân bằng các hoạt động như:

Tự trò chuyện với tâm trí, hoặc viết nhật ký cảm xúc 

Với mình, việc tự vấn và viết ra tất cả những suy nghĩ trong đầu không phán xét, là một cách vô cùng hiệu quả. Nó phần nào giúp bạn “tống khứ” những lẩn khuất bên trong từng chút một ngày qua ngày. Khi viết ra rồi đọc lại khi tâm trạng bình tĩnh hơn, bạn sẽ thấu suốt hơn với mớ hỗn độn bên trong mình.

Thay đổi không gian

Khi buồn, ta chẳng muốn, và nhiều khi chẳng thể làm gì được cả. Điều đó là hoàn toàn bình thường. Con người là sinh vật phức tạp và đa cảm. Nhưng nếu nằm trong nhà mãi vẫn cứ buồn, mình sẽ thay đổi không gian để nạp năng lượng mới. Khi nỗi buồn trở nên quá sức, mình sẽ đi du lịch, như lên rừng hoặc xuống biển. Kết nối với thiên nhiên và những điều xa lạ là phương pháp khiến tâm trí được “thanh lọc” khỏi những mảng bám tiêu cực hiệu quả.

Nếu chưa thể đi xa, bạn có thể đi lang thang quanh khu nhà, đi dạo công viên cùng thú cưng. Bạn có thể lái xe loanh quanh trong thành phố, ghé những quán xá “vừa mắt” hoặc hoặc tự đến rạp xem một bộ phim hay cũng tốt.

Các sở thích riêng

Việc dành thời gian cho các sở thích cá nhân là cách tốt để vượt qua nỗi buồn. Đây là những cách thức giúp mang lại niềm vui cho bản thân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Nếu không thích viết, bạn có thể diễn tả nỗi buồn bằng cách vẽ vời, sáng tác thơ truyện, nhảy múa, đi du lịch một mình, nghe nhạc buồn rồi gào khóc,… bất cứ cách nào bạn cảm thấy thích. Bạn làm gì mình muốn cũng được, miễn là để cảm xúc được bộc lộ ra ngoài và không tổn hại đến ai.

Tránh những biện pháp không lành mạnh

Chúng ta thường tìm đến rượu, chất kích thích, thức ăn nhanh hay shopping vô tội vạ mỗi khi buồn. Mình cũng từng thích dùng rượu để khuây khỏa. Những cách này phần nào giải tỏa cảm xúc một cách nhanh chóng nhưng chúng chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài nếu không kiểm soát tốt, chúng thậm chí còn khiến bạn nghiện ngập hay thay đổi các hành vi thói quen. Vì thế, khi sử dụng chúng, hãy chắc chắn bạn có khả năng tự chủ tốt. Còn không, hãy hạn chế.

Khi đi qua những bước này, mình không chỉ vượt qua nỗi buồn mà còn gắn kết và thấu hiểu bản thân hơn. Với mình, nỗi buồn là một thông điệp, một tín hiệu về những vấn đề chưa được giải quyết tận gốc bên trong mỗi chúng ta. Khi chúng tìm đến, hãy học cách lắng nghe và vỗ về. Mình mong những cách đi qua nỗi buồn như trên sẽ hữu ích với bạn. Mong bạn sẽ dần thấu hiểu bản tâm và tìm thấy sự bình an trong tâm trí của chính mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top