Trong bài Bàn về tỉnh thức, mình từng nói mục đích của việc “tỉnh” là nhận diện và hiểu chính mình. Việc này chẳng dễ dàng vì chúng ta thường hay lạc lối trong quá khứ và tương lai.
Với mình, sống tỉnh thức (hay còn gọi là sống chánh niệm) chú trọng vào 2 việc: Hiện diện và thấu hiểu.
Điều đầu tiên, hiện diện trong khoảnh khắc thực tại
Hãy luôn nhận thức rõ ràng việc đang làm hay trạng thái của bản thân ở từng giây từng phút. Trong một khoảng thời gian chỉ chú tâm vào một việc. “Có mặt” trọn vẹn trong từng khoảnh khắc hiện tại.
Ví dụ đang ăn thì tập trung vào việc ăn và nhận thức rõ hành động “ăn”, biết mình đang nhai cái gì thay vì vừa ăn vừa xem tin nhắn, hay lướt mạng xã hội. Hãy chậm rãi cảm nhận mùi vị thức ăn như thế nào, chua cay ngọt mặn ra sao.
Hay, khi lau dọn nhà cửa thì chỉ chú tâm vào việc lau dọn cho sạch sẽ, lái xe thì tập trung vào việc lái xe thay vì để luồng suy nghĩ nhảy loạn từ chuyện này sang chuyện khác.
Tất nhiên, việc này vô cùng khó khăn vì chúng ta thường bị cuốn phăng đi bởi những suy nghĩ lan man. Lúc thì hồi tưởng về quá khứ, khi thì lắng lo về tương lai. Để “cố định” bản thân ở hiện tại, mình thường áp dụng những phương pháp sau.
Thiền
Đây được xem là một phương pháp gắn liền với việc tỉnh thức, hay còn gọi là “thiền tỉnh thức”. Thiền theo cách truyền thống cần phải ngồi yên lặng trong tư thế thoải mái với một thời gian đủ lâu để đưa tâm trí dần về sự tĩnh lặng. Mục đích là giúp bạn chú tâm quan sát nội tại. Trong quá trình ngồi, nên thả lỏng cơ thể và cả tâm trí, không gồng cứng, để mọi suy tưởng và cảm xúc buông trôi, không níu giữ bất cứ ý nghĩ gì.
Với người mới bắt đầu thì tư thế ngồi bán già sẽ dễ dàng hơn. Đó là tư thế nửa hoa sen, ngồi xếp bằng chân phải đặt lên đùi trái, hoặc chân trái đặt lên đùi phải, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên. Khi đã thực hành lâu, tư thế kiết già, hay tư thế hoa sen, ngồi xếp bằng, chân phải đặt lên đùi trái, đồng thời đặt chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên sẽ là lựa chọn cân bằng.
Khi hành thiền, ta có thể bắt đầu chậm rãi, tối thiểu từ 10 phút. Khi quen dần, số lần ngồi trong ngày và thời gian mỗi lần ngồi cần được tăng lên để an trú tâm trong sự tĩnh lặng lâu nhất có thể.
Hơi thở
Hơi thở là sinh mệnh, là điểm bắt đầu của sự sống. Khi bạn chú tâm vào việc “thở” mà không chỉ “làm” trong vô thức, bạn sẽ cảm nhận được sự sống đang tuôn chảy trong cơ thể. Việc chú tâm vào hơi thở thường đi chung với thiền định nhưng không phải ai cũng phù hợp hay muốn thiền. Do đó, thay vì ngồi thiền theo cách truyền thống bạn có thể lắng lại và chú ý vào hơi thở của mình nhiều hơn.
Ví dụ như khi nấu ăn, khi dừng đèn đỏ, khi xếp hàng,… hãy tận dụng những khoảng thời gian trống ấy để thực hành hơi thở. Hít vào bằng bụng một hơi thật sâu, giữ lại 3 giây rồi nhẹ nhàng thở ra, một cách chầm chậm.
Với nhịp sống xô bồ hiện tại, chúng ta hay bị “lạc trôi” với công việc, với gia đình. Mình cũng không ngoại lệ. Và để neo chính mình ở hiện tại, mình cài đặt trong điện thoại mỗi 1 tiếng sẽ gióng “Boong” 1 lần. Điều này để nhắc nhở bản thân về sự hiện diện. Mỗi lần nghe chuông vang lên, mình sẽ dừng mọi việc đang làm và hít thở thật sâu thật chậm ít nhất 3 nhịp. Tiếng chuông này để giúp bạn định lại giữa vô vàn lo toan của cuộc sống. Nó sẽ là mỏ neo giúp bạn quay về khi lạc vào trong những bận rộn thường nhật.
Điều thứ hai, thấu hiểu chính mình
Đối mặt và thấu hiểu chính mình chẳng phải là việc dễ dàng, đặc biệt với những mảng tối sâu thẳm bên trong. Chúng ta thường có xu hướng trốn tránh hoặc lơ chúng đi. Nhưng chỉ khi hiểu chính mình, bạn mới thấu hiểu con đường tỉnh thức, mới thấu hiểu cuộc sống. Từ đó, bạn mới không phán xét và chấp nhận mọi thứ như lẽ vốn dĩ.
Vậy, bạn có thực sự hiểu chính mình?
Bạn có dám đối mặt với những tổn thương và mò mẫm nguyên nhân gốc rễ?
Có một sự thật là, bạn không hiểu bản thân nhiều như bạn tưởng.
Khi đã tỉnh thức, bạn sẽ không ngừng đón nhận cơ hội để hiểu thêm những sâu thẳm bên trong chính mình. Đó là khao khát, là nỗi sợ, là những tiêu cực và còn là những tổn thương từ quá khứ.
Để “đào bới” bản thân, mình thường dùng cách Viết như một hình thức trò chuyện với Bản ngã. Mỗi ngày sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, mình sẽ dành thời gian để viết xuống tất cả những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Không nghĩ ngợi, không phán xét, chỉ viết và viết hết ra giấy. Bạn có thể đánh máy nếu thích, riêng mình cảm thấy việc Viết mang cảm giác hiện hữu hơn. Khi viết tay, mình cảm nhận được dòng chảy năng lượng theo cánh tay tuôn trào trên mặt giấy và điều đó thật dễ chịu.
Có một phương pháp khác nữa là ghi âm. Vào những ngày mệt đến mức chẳng muốn cầm bút, mình sẽ bật ứng dụng ghi âm trên điện thoại và trút hết những thứ trong đầu ra. Việc “nói” sẽ giúp bạn giải phóng nhiều năng lượng tắc nghẽn bên trong một cách nhanh chóng hơn.
Đối với cả 2 cách trên, sau khi làm xong bạn có thể để đó và quay lại xem/nghe sau một thời gian. Bạn sẽ “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” vì những điều lẩn khuất bên trong mình đấy. Hãy thử xem nhé!
Lợi ích của sống tỉnh thức
Khi làm mọi việc trong sự tỉnh thức ta sẽ sống trọn vẹn trong từng phút từng giây. Ta không vội vàng rồi lướt qua thời gian một cách mơ màng nữa. Khi bạn nhận thức bản thân đang làm gì, cảm xúc ra sao thì dần dần bạn sẽ học được cách chậm lại, thấu hiểu và có trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Tỉnh thức giúp ta chủ động hơn trong công việc, cuộc sống thêm nhiều niềm vui, sức khoẻ thể chất – tinh thần tốt hơn và tư duy tích cực hơn.
Mình hiểu đây là một hành trình “dài hơi” và khó khăn. Nhưng nếu đã chọn sống tỉnh thức, mong bạn hãy tiếp tục kiên định, bạn nhé.