Ngày nay, “yêu bản thân” dần được lan tỏa rộng rãi trên các kênh truyền thông và mạng xã hội. Mọi người nói nhiều về nó hơn, chẳng hạn như chúng ta nên dành nhiều thời gian chăm sóc và nuông chiều chính mình giữa bộn bề lo toan thường nhật. Nhưng, vẫn có nhiều người khi nghe về cụm từ này lại nghĩ đây là một dạng “bệnh lý” hay một hành động ích kỷ. Vậy còn bạn thì sao, bạn có chắc chắn mình đã hiểu đúng về “yêu bản thân” không?
Yêu bản thân hay Chứng ái kỷ?
Nhiều người cho rằng Yêu bản thân (Self-love) giống với Chứng ái kỷ (Narcissism). Tất nhiên là hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Chứng ái kỷ hay còn gọi là Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder, viết tắt là NPD) đặt theo tên Narcissus, một kẻ đã yêu hình ảnh phản chiếu của chính mình qua mặt nước. Đây là một dạng bệnh tâm thần, người ái kỷ thường phóng đại tầm quan trọng của bản thân, kiêu ngạo, khao khát sự ngưỡng mộ một cách thái quá và thiếu sự đồng cảm. Nói cách khác, chứng ái kỷ là một sự ám ảnh có thể nói là điên cuồng về chính bản thân mình.
Yêu bản thân là sự nhận thức sâu sắc và rõ ràng về chính mình. Đó không phải việc tự cho mình là tốt đẹp nhất và xem thường người khác, mà là yêu thương và tôn trọng mọi thứ thuộc về mình và cả người khác, là thấu hiểu và chấp nhận con người mình vốn là, không chỉ trích, không phán xét.
Yêu thương bản thân không đồng nghĩa với sống buông thả. Giống như khi bạn yêu thương một người, bạn sẽ muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho họ. Bạn sẽ muốn tặng họ bộ quần áo đẹp đẽ, nấu cho họ bữa ăn ngon lành bổ dưỡng, nhắc họ ngủ sớm và nghỉ ngơi điều độ,.. Bạn sẵn sàng làm mọi thứ vì sự khỏe mạnh và niềm vui của người đó. Yêu bản thân cũng chính là như vậy.
Tại sao yêu bản thân lại quan trọng?
Khi bạn còn nghi ngờ hay thắc mắc, hãy hỏi bản thân 2 câu hỏi:
- Tại sao bạn có thể yêu thương ai đó khác, mà không phải chính bạn?
- Làm sao bạn có thể yêu ai đó khác, khi mà bạn không yêu thương chính mình?
Yêu thương bản thân, nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng thực chất lại rất khó khăn. Đây được xem là một nan đề mà không phải ai cũng giải đáp được. Và mỗi người đều sẽ có câu trả lời riêng phần mình trên hành trình khám phá nội tại.
“Tình yêu đối với chính mình là khởi đầu của một cuộc tình lãng mạn suốt đời.” – Oscar Wilde
Mình nghĩ, chỉ khi bắt đầu “cuộc tình lãng mạn suốt đời”, khi bạn học được cách thấu hiểu và tôn trọng bản thể độc đáo của chính mình, bạn sẽ dễ dàng thấu cảm với người khác và rồi, yêu thương họ.
Khi ấy, bạn học được cách đặt ra giới hạn, tạo ra những nguyên tắc “bất khả xâm phạm” để bảo vệ chính mình.
Khi ấy, bạn biết lắng nghe một cách chọn lọc, có niềm tin và mục tiêu vững vàng.
Khi ấy, bạn trân trọng và tận hưởng những hạnh phúc nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Và khi ấy, bạn biết ơn nhiều hơn, về tất cả.
3 cách để thêm yêu bản thân mỗi ngày
Yêu bản thân là một việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, và thậm chí là sự tỉnh thức. Bạn phải luyện tập thường xuyên để biến nó thành thói quen, đặc biệt là với những tâm hồn nhạy cảm và từng bị tổn thương trong quá khứ. Chúng ta thường có xu hướng khắc nghiệt và phán xét bản thân hơn ai hết. Dưới đây là 3 gợi ý giúp bạn có thể trau dồi tình yêu thương đối với bản thân từng chút mỗi ngày.
Thể hiện lòng biết ơn
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, hay sau khi thức dậy vào buổi sáng hãy dành tầm 5-10 phút suy nghĩ hoặc nói biết ơn với những điều thuộc về bạn. Đó là cơ thể – tâm trí – linh hồn, là quá khứ vui buồn, là những trải nghiệm của bạn. Hãy kèm với lý do, mở đầu bằng “Cảm ơn bạn vì…, nhờ có bạn mà…” và kết thúc bằng “Cảm ơn bạn. Tôi yêu bạn”. Nếu bạn chỉ có một mình, hãy nói, để những điều từ trái tim được tuôn chảy ra ngoài. Tin mình đi, nói ra sẽ tuyệt vời hơn là chỉ nghĩ trong đầu. Hãy cảm nhận.
Ví dụ: Bạn chạm/vuốt cánh tay và nói “Cảm ơn bạn vì đã khỏe mạnh, nhờ bạn mà mình có thể tự do viết, vẽ và làm mọi điều mình muốn. Cảm ơn bạn. Tôi yêu bạn”. Hay “Cảm ơn những mối duyên mà tôi từng gặp trong đời dù là đau buồn hay hạnh phúc, nhờ có các bạn mà tôi được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc và học được nhiều bài học. Cảm ơn các bạn. Tôi yêu các bạn.”
Mình biết với nhiều bạn thì việc nói ái ngữ sẽ khá ngượng ngùng, hoặc sẽ cảm thấy “sến súa”. Nhưng việc này chỉ xảy ra trong tâm tưởng của bạn, và bạn chỉ có một mình, chỉ riêng bạn biết nên hãy thử nhé. Bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả của việc này nếu thường xuyên thực hiện đấy.
Quan sát và lắng nghe nội tại
Để yêu thương, trước bạn phải thấu hiểu. Việc quan sát và lắng nghe sẽ giúp bạn kết nối với chính mình một cách sâu sắc hơn.
Hãy chú tâm đến những phản ứng cảm xúc trong tâm trí và cơ thể khi đối mặt với tác động từ bên ngoài, đặc biệt là những điều khiến bạn khó chịu (những cảm xúc tiêu cực). Và luôn đặt hỏi tại sao bạn lại có những phản ứng như thế, thật nhiều những câu hỏi tại sao nhằm đào sâu tới nguyên nhân gốc rễ.
Hãy chú tâm khi ăn uống để biết điều gì lành mạnh và phù hợp cho cơ thể.
Hãy thực hiện những điều bạn khao khát và khiến bạn hạnh phúc hơn là điều làm vừa lòng người khác.
Trước mọi quyết định, hãy lắng nghe tiếng nói từ trái tim và trực giác.
Ví dụ: khi bạn tức giận với một điều gì đó hãy tự vấn: “Vì sao mình tức giận?”, “Cảm giác này đến từ đâu?”, “Mình tức giận là do đối phương hay là do vấn đề của mình?”
Hãy đặt câu hỏi “Tại sao” và lắng nghe câu trả lời.
Tôn trọng bản thể
Yêu thương là sự tôn trọng, là chấp nhận mọi thứ thuộc về mình, cả mặt tốt và xấu. Bạn ý thức được 2 mặt của đồng xu đều là mình. Chối bỏ và mặc kệ là sự phủ nhận, là đánh mất bản thân. Việc yêu thương và chấp nhận bản thân từng chút một sẽ giúp bạn cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của sự trọn vẹn. Từ đó, bạn sẽ tự chủ động nuôi dưỡng ưu điểm, cải thiện khuyết điểm và hướng tâm hồn đến những điều an yên và tích cực hơn.
Bên cạnh đó, tôn trọng bản thân giúp bạn biết đặt ra ranh giới bảo vệ chính mình khỏi mọi sự xâm phạm. Bạn biết mình là ai, mục tiêu và niềm tin của bản thân là gì. Bạn không so sánh bản thân với người khác và tôn trọng hành trình của chính mình. Ở đây, lòng tự tôn của bạn sẽ được bồi dưỡng.
Rốt cuộc thì, khi đã yêu bản thân đủ đầy, ta mới có thể hiểu làm sao để yêu người khác trọn vẹn.
Pingback: 11 GẠCH ĐẦU DÒNG DÀNH CHO CHÍNH MÌNH - Cáo thơ thẩn