Tại sao đôi khi chúng ta lại ngần ngại nhờ người khác giúp đỡ, ngay cả khi bản thân đang bế tắc?
Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng trải qua trạng thái mắc kẹt trong những luồng suy nghĩ luẩn quẩn không hồi kết, nhưng lại không muốn, hoặc thậm chí là không dám mở lời nhờ người khác giúp đỡ. Chính mình cũng không ngoại lệ. Sau một thời gian tự quan sát và nhận ra bản thân có xu hướng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp khi bế tắc, mình đã đặt ra hàng loạt câu hỏi “Tại sao?” nhằm truy về gốc rễ vấn đề để nhận diện và chuyển hoá nó.
Tự Giam Mình Trong Suy Nghĩ
Ngày trước, mình không quen việc nhờ vả. Một phần vì sợ phiền người khác, phần khác vì ngại bị đánh giá là yếu đuối, ngu ngốc, kém cỏi. Những lúc đứng trước một vấn đề nan giải, mình thường chỉ giữ nó trong đầu, cố gắng tự loay hoay nghĩ cách giải quyết. Nhưng càng nghĩ lại càng rối. Thời gian trôi qua, vấn đề vẫn nằm đó, không có giải pháp, còn mình thì dần kiệt sức vì mớ suy nghĩ luẩn quẩn. Có lúc vì bế tắc, mình thậm chí mặc kệ nó như một cách trốn tránh việc đưa ra quyết định. Như lẽ tất nhiên, kết quả của việc ôm khư khư này chẳng có kết quả gì ráo trọi, vì chúng vẫn chỉ ở trong đầu mình luẩn quẩn mà thôi. Những vấn đề không được giải quyết giống như một chiếc hồ bị ứ đọng, lâu ngày không thay nước sẽ trở nên vẩn đục.
Bạn có biết?
“Bộ não của chúng ta luôn luôn đối soát để nhớ lại những gì nó đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận được trong quá khứ để giải thích những dữ liệu giác quan mà nó nhận được ở hiện tại. Sau đó, nó sử dụng giải thích này để giúp bạn ra các quyết định hoặc dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tất cả các quá trình này được bộ não của bạn xử lý hoàn toàn trong vô thức, và nhanh đến nỗi bạn không thể nhận ra chúng nếu không cố gắng để ý kỹ hoặc thiền định để làm chậm và quan sát tâm trí của mình.” – theo Giáo sư Lisa Feldman Barrett tại Đại học Northeastern, Hoa Kỳ, đồng thời là nhà tâm lý và khoa học thần kinh xuất chúng.
Khi cần phương hướng xử lý một vấn đề, não luôn cố gắng giúp chúng ta tìm giải pháp, nhưng tất nhiên chỉ là tổng hợp từ những kinh nghiệm quá khứ mà thôi. Vì vậy chúng ta thường có xu hướng lặp lại những quyết định cũ thay vì đưa ra hướng giải quyết mới. Vậy nên, việc tìm kiếm hướng giải quyết vấn đề trong suy nghĩ thôi sẽ dễ bị bảo thủ và hạn hẹp. Và quan trọng là, nhiều khi chính chúng ta không chú ý đến điều đó.
Nhìn lại, mình nhận ra hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn tác động sâu sắc đến các mối quan hệ. Việc khăng khăng giữ chặt mọi chuyện cho riêng mình đã dần dựng lên bức tường vô hình giữa mình và những người xung quanh.
Vì Sao Ta Ngại Tìm Sự Giúp Đỡ?
Sau này theo quá trình học lớn, mình nhận ra phía sau việc ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp là sự thao túng của nỗi sợ: Sợ bị từ chối, sợ bị phán xét, và sợ bản thân trông thật yếu kém. Các nỗi sợ này đến từ những thương tổn thuở bé, những lần bị trách mắng, bị đau chỉ vì suy nghĩ hoặc hành động khác biệt. Chúng vô thức khắc sâu trong tâm trí, khiến mình co cụm lại mỗi khi cảm thấy bất an.
Mình nhớ hồi còn mẫu giáo lúc giải một bài toán tô màu, cùng kết quả nhưng thay vì tô màu các ô thành hình vuông giống y như cô yêu cầu thì mình chọn sáng tạo tô ô thành hình zigzag, thế là đã bị cô véo tai đau điếng. Hay khi mình từng muốn mua một bộ váy và giày xinh để dự tiệc prom trong trường để rồi bị mắng là “đua đòi”. Hay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dù thắc mắc một vấn đề nhưng không dám hỏi thầy cô vì sợ bị nói là “chậm tiêu”.
Nỗi sợ bị đánh giá, sợ sai và sự nghi ngờ giá trị bản thân dần trở những cái gai được chính mình ngày trước bao bọc và che giấu thay vì nhổ bỏ. Việc này dẫn đến trạng thái cô lập bản thân và che đậy cảm xúc, mình đã không muốn người khác thấy sự yếu kém và bị chê cười.
Theo quá trình trưởng thành, mình dần ngại thể hiện bản thân, ngại làm sai, và rồi ngại nhờ người khác giúp đỡ. Nhưng chính sự “ngại” này đã tạo nên những vòng rào cản tâm lý khiến mình mất đi cơ hội học hỏi, giao tiếp và kết nối với thế giới xung quanh, cả trong các mối quan hệ thân thiết. Mình dần kiệm lời và thường bị cho là lạnh lùng ù lì. Và trước khi quyết định việc gì đó, mình thường suy nghĩ rất rất lâu vì sợ mắc lỗi và phạm sai lầm, ngay cả khi không có hình phạt nào cả.
Mở Lời – Hành Trình Không Dễ Dàng
Giờ đây, mình dần học cách quan sát suy nghĩ của bản thân. Khi nhận ra tâm trí bắt đầu luẩn quẩn, mình nhắc nhở bản thân thử mở lời nhờ sự trợ giúp từ người phù hợp.
Có lần, mình bế tắc trước hai lựa chọn trong công việc. Sau nhiều ngày suy nghĩ mà vẫn không tìm ra giải pháp, mình quyết định hỏi ý kiến một người chị mà mình tin tưởng. Chị ấy lắng nghe, chia sẻ góc nhìn, và đưa ra lời khuyên: “Hãy chọn điều khiến em hạnh phúc thay vì cố gắng làm hài lòng người khác.” Câu nói ấy như mở ra một cánh cửa trong tâm trí mình.
Hay gần đây, mình đắn đo không biết có nên tham gia một khóa học mới. Sau khi suy nghĩ mãi chẳng thông suốt, mình quyết định chia sẻ băn khoăn với một người bạn – cũng là giảng viên khóa học ấy để được tư vấn. Câu trả lời của bạn ấy đã giúp mình nhẹ nhõm và có góc nhìn đa chiều hơn.
Tầm Quan Trọng Của Việc Nói Ra
Mình nhận ra rằng, việc mở lời với đúng người không chỉ góp phần gợi mở cách giải quyết vấn đề, mà còn mang lại cảm giác nhẹ nhõm như thể gỡ được một nút thắt trong lòng. Qua đó, giảm bớt căng thẳng và lo âu. Việc được lắng nghe và thấu hiểu giúp chúng ta có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề mình đang đối mặt.
Nếu việc viết lách giúp sắp xếp suy nghĩ, thì trò chuyện với người khác tựa như dẫn dòng kênh nhỏ chảy vào sông lớn. Người khác, với những kinh nghiệm và góc nhìn khác, có thể giúp chúng ta nhận ra những điểm mù trong suy nghĩ và mở ra góc nhìn mới mà bản thân ta chưa từng nghĩ tới.
Hơn nữa, việc nói ra vấn đề với một người phù hợp – một người lắng nghe mà không phán xét – giống như mở một cánh cửa cho chính mình. Cánh cửa đó không chỉ dẫn đến giải pháp, mà còn dẫn đến sự kết nối, sự đồng cảm, và cảm giác được thấu hiểu. Từ đó, chúng ta có thể xây dựng những mối quan hệ sâu sắc và bền vững hơn. Khi chúng ta mở lòng, người khác cũng sẽ dễ dàng kết nối và mở lòng với chúng ta hơn.
Bên cạnh đó, khi nhận được sự giúp đỡ và động viên từ người khác, chúng ta sẽ cảm thấy can đảm hơn. Đồng thời khi nhận được sự giúp đỡ và giải quyết được vấn đề của mình, ta sẽ thêm tin tưởng vào khả năng của chính mình và trở nên mạnh mẽ hơn.
Hãy Bắt Đầu Từ Những Bước Nhỏ
Tất nhiên, thay đổi một thói quen lâu năm là điều không hề dễ dàng. Dù dần học cách mở rộng tâm tưởng của bản thân hơn nhưng khi đứng trước một quyết định khó khăn, mình vẫn có xu hướng thu mình lại và tự mày mò tìm giải pháp đến khi mệt nhoài. Hành trình này là bước chuyển hoá quan trọng nên mình hiểu rằng bản thân cần sự kiên nhẫn và tiến hành từng bước nhỏ chứ không thúc ép quá mức.
- Bắt đầu từ thay đổi tư duy: Việc mở lời không làm bạn yếu đuối – ngược lại, nó thể hiện sự dũng cảm. Dũng cảm nhìn nhận rằng mình không hoàn hảo, dũng cảm đón nhận sự hỗ trợ, và dũng cảm bước qua những rào cản do chính mình dựng lên. Nhờ giúp đỡ không làm bạn nhỏ bé – nó khiến bạn lớn hơn.
- Chọn người phù hợp: Nếu bạn cũng đang cảm thấy mắc kẹt trong suy nghĩ, hãy thử tìm đến một người bạn tin tưởng, một người thân yêu, đôi khi là tâm sự với người lạ hoặc thậm chí là một chuyên gia tham vấn. Hãy chọn người mà bạn tin tưởng và cảm thấy thoải mái khi chia sẻ – một người – không – phán – xét. Hãy nhớ rằng, bạn không phải đối mặt với mọi thứ một mình.
- Biểu đạt cảm xúc của mình một cách rõ ràng: Hãy nói cho người khác biết bạn đang cảm thấy như thế nào một cách cụ thể và chân thành. Thay vì nói “Tôi cảm thấy buồn”, bạn có thể nói “Tôi cảm thấy rất buồn vì cuộc cãi vã với bạn thân. Tôi không biết phải làm sao để hàn gắn mối quan hệ này”. Càng cụ thể, thính giả sẽ thêm hiểu vấn đề của bạn, bạn càng dễ nhận được sự hỗ trợ phù hợp.
- Lắng nghe phản hồi: Hãy lắng nghe những gì người khác muốn nói và tôn trọng quan điểm của họ. Họ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích hoặc đơn giản chỉ là ở bên cạnh bạn. Có thể đó chưa phải là giải pháp phù hợp nhưng bạn sẽ có thêm góc nhìn đa chiều hơn. Việc lắng nghe không chỉ giúp bạn cảm thấy được thấu hiểu mà còn giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với người khác.
Cứ tuần tự từng bước nhỏ thôi bạn nhé. Có thể vấn đề của bạn chưa được giải quyết ngay lập tức, nhưng việc nói ra chắc chắn sẽ giúp bạn nhẹ nhõm hơn. Đừng tự mình ôm hết mọi thứ.
Có những con đường chỉ sáng lên khi chúng ta cùng nhau bước đi. Và khi bạn học cách chia sẻ và kết nối, thế giới quanh bạn cũng sẽ trở nên rộng mở và ý nghĩa hơn.